Quy định mới về kiểm tra nhà nước về chất lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường
Thông tư số 01/2024/TT-BKHCN có một số điểm mới đáng lưu ý như sau:
1. Về đối tượng:
- Đối tượng áp dụng: Thông tư này áp dụng đối với cơ quan kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa thuộc các bộ quản lý ngành, lĩnh vực, địa phương và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có hoạt động liên quan đến chất lượng sản phẩm, hàng hóa.
- Đối tượng kiểm tra: Hàng hóa lưu thông trên thị trường Việt Nam. Hàng hóa trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh không thuộc đối tượng kiểm tra quy định tại Thông tư này.
2. Về giải thích từ ngữ:
- Quy định về “hàng hóa lưu thông trên thị trường”
“Hàng hóa lưu thông trên thị trường là hàng hóa được vận chuyển, trưng bày, khuyến mại, tiếp thị và lưu giữ trong quá trình mua bán hàng hóa (bao gồm cả hàng hóa trong hoạt động thương mại điện tử), trừ hàng hóa đang được vận chuyển từ cửa khẩu về kho lưu giữ hàng hóa của người nhập khẩu hoặc đang lưu giữ tại kho lưu giữ hàng hóa của người nhập khẩu, chờ kiểm tra thông quan.
- Quy định về “Lô hàng hóa”
a) Đối với hàng hóa dạng rời, đơn chiếc: Lô hàng hóa là tập hợp một loại hàng hóa được xác định về số lượng, có cùng kiểu loại, cùng nội dung ghi nhãn, do một tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu tại cùng một địa điểm được phân phối, tiêu thụ trên thị trường.
b) Đối với hàng hóa mà trong quá trình lưu giữ, bảo quản, bán hàng hóa có thể bị trộn lẫn làm thay đổi về chất lượng: Lô hàng hóa là tập hợp một loại hàng hóa được xác định về số lượng được lưu giữ, bảo quản, bán hàng hóa trong cùng một đơn vị lưu giữ, bảo quản hoặc một địa điểm lưu giữ, bảo quản.
- Quy định về cơ quan kiểm tra:
Cơ quan kiểm tra ở Trung ương là cơ quan chuyên môn thuộc bộ quản lý ngành, lĩnh vực được phân công, phân cấp thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hóa; cơ quan kiểm tra ở địa phương là cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được phân công, phân cấp thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hóa tại địa phương.
3. Căn cứ kiểm tra về chất lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường
Theo Thông tư quy định, các căn cứ kiểm tra về chất lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường bao gồm:
- Thông tin, cảnh báo về hàng hóa lưu thông trên thị trường không phù hợp với các điều kiện quy định tại Điều 38 Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa.
- Thông tin phản ánh dưới mọi hình thức của tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước về dấu hiệu vi phạm chất lượng sản phẩm, hàng hóa, nhãn hàng hóa.
- Kết quả khảo sát hoặc kiểm tra chất lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường phát hiện hàng hóa có nhãn hàng hóa không đúng quy định hoặc có dấu hiệu chất lượng không phù hợp với tiêu chuẩn công bố áp dụng, quy chuẩn kỹ thuật tương ứng.
- Theo yêu cầu quản lý hoặc đề nghị của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền về chất lượng sản phẩm, hàng hóa chuyển đến.
- Theo kế hoạch kiểm tra hằng năm được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
4. Về hình thức kiểm tra
Thông tư quy định 02 hình thức kiểm tra là Kiểm tra theo kế hoạch hằng năm được cấp có thẩm quyền phê duyệt và Kiểm tra đột xuất chất lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường.
Đối với những cơ sở đã được phê duyệt trong kế hoạch hằng năm, căn cứ tình hình thực tế hoặc theo yêu cầu của cơ quan quản lý, trường hợp cơ quan kiểm tra không kiểm tra tại cơ sở thì gửi công văn đến cơ sở được kiểm tra yêu cầu báo cáo việc chấp hành các quy định của pháp luật liên quan đến sản phẩm hàng hóa do cơ sở đang kinh doanh. Nếu phát hiện có dấu hiệu vi phạm về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng, nhãn hàng hóa thông qua các báo cáo của cơ sở được kiểm tra thì cơ quan kiểm tra tiến hành kiểm tra đột xuất theo quy định tại Thông tư này.
5. Nội dung kiểm tra
Thông tư quy định cụ thể nội dung kiểm tra chất lượng sản phẩm hàng hóa. Trong đó, kiểm tra thông tin hàng hóa gồm:
- Kiểm tra thông tin hàng hóa
+ Kiểm tra nhãn hàng hóa và tài liệu kèm theo mà quy định buộc phải có;
+ Kiểm tra tiêu chuẩn công bố áp dụng, dấu hợp chuẩn, dấu hợp quy theo quy định;
+ Kiểm tra mã số, mã vạch, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa theo quy định;
- Kiểm tra chất lượng hàng hóa
+ Kiểm tra sự phù hợp của hàng hóa so với quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn công bố áp dụng, nhãn hàng hóa và tài liệu kèm theo;
+ Kiểm tra các nội dung khác liên quan đến chất lượng hàng hoá;
- Trong quá trình kiểm tra, trường hợp hàng hóa có dấu hiệu không bảo đảm chất lượng thì Trưởng đoàn kiểm tra quyết định lấy mẫu theo quy định tại Thông tư này.
- Đối với hàng hóa kinh doanh trong hoạt động thương mại điện tử, ngoài kiểm tra các nội dung trên, Đoàn kiểm tra tiến hành so sánh tính thống nhất của các thông tin trên các trang thông tin điện tử với thực tế của hàng hóa được kiểm tra.
6. Trình tự kiểm tra
- Đoàn kiểm tra tiến hành kiểm tra theo các bước sau:
+ Công bố Quyết định kiểm tra trước khi tiến hành kiểm tra. Quyết định kiểm tra được lập theo Mẫu 1. QĐ/ĐKT của Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này;
+ Tiến hành kiểm tra các nội dung quy định tại Điều 6 Thông tư này;
+ Lập biên bản kiểm tra theo Mẫu 3. BB/ĐKT của Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này. Biên bản kiểm tra có chữ ký của người bán hàng, Trưởng Đoàn kiểm tra. Trường hợp người bán hàng không ký biên bản thì biên bản phải có chữ ký của đại diện chính quyền xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là chính quyền cấp xã) hoặc của ít nhất một người chứng kiến xác nhận việc người bán hàng không ký vào biên bản.
Trường hợp biên bản không có chữ ký của đại diện chính quyền cấp xã hoặc của người chứng kiến thì Đoàn kiểm tra phải ghi rõ lý do vào biên bản, báo cáo cơ quan kiểm tra bằng văn bản. Biên bản có chữ ký của Trưởng Đoàn kiểm tra và các thành viên Đoàn kiểm tra vẫn có giá trị pháp lý.
Trường hợp Đoàn kiểm tra có lấy mẫu hàng hóa thì thực hiện theo quy định tại Điều 8 Thông tư này;
+ Xử lý, kiến nghị theo quy định tại Điều 10 Thông tư này;
+ Báo cáo cơ quan kiểm tra về kết quả kiểm tra.
- Kiểm soát viên chất lượng tiến hành kiểm tra độc lập, đột xuất theo các bước sau đây:
+ Công bố Quyết định kiểm tra được người có thẩm quyền ban hành, xuất trình thẻ kiểm soát viên chất lượng trước khi kiểm tra. Quyết định kiểm tra được lập theo Mẫu 2. QĐ/KSV của Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này;
+ Tiến hành kiểm tra các nội dung quy định tại Điều 6 Thông tư này;
+ Lập biên bản kiểm tra theo Mẫu 4. BB/KSV của Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này. Biên bản kiểm tra có chữ ký của người bán hàng, kiểm soát viên chất lượng. Trường hợp người bán hàng không ký biên bản thì biên bản phải có chữ ký của đại diện chính quyền cấp xã hoặc của ít nhất một người chứng kiến xác nhận việc người bán hàng không ký vào biên bản.
Trường hợp biên bản không có chữ ký của đại diện chính quyền cấp xã hoặc của người chứng kiến, thì kiểm soát viên chất lượng phải ghi rõ lý do vào biên bản, báo cáo cơ quan kiểm tra bằng văn bản. Biên bản có chữ ký của kiểm soát viên chất lượng vẫn có giá trị pháp lý;
+ Xử lý, kiến nghị theo quy định tại Điều 10 Thông tư này;
+ Báo cáo cơ quan kiểm tra về kết quả kiểm tra.
- Trường hợp kiểm tra chất lượng hàng hóa trong hoạt động thương mại điện tử, cơ quan chủ trì kiểm tra xác định hoặc xác minh (tên, địa chỉ) người bán hàng trước khi kiểm tra.
7. Về các mẫu biểu sử dụng trong việc kiểm tra nhà nước về chất lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường: Thông tư quy định 12 biểu mẫu ban hành kèm theo Thông tư này.