Quy định mới về xác định số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm hành chính; thời hạn bảo quản tài liệu

(1). Theo Thông tư số 65/2022/TT-BTC, việc xác định số lợi bất hợp pháp do người có thẩm quyền xử phạt VPHC thực hiện và ghi trong quyết định xử phạt VPHC hoặc quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả. Số lợi bất hợp pháp được xác định từ khi tổ chức, cá nhân có hành vi VPHC đến thời điểm chấm dứt hành vi vi phạm hoặc có quyết định xử phạt VPHC hoặc quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả. Trường hợp tổ chức, cá nhân thực hiện nhiều hành vi VPHC thì xác định số lợi bất hợp pháp có được theo từng hành vi VPHC. Trường hợp tổ chức, cá nhân thực hiện hành vi VPHC nhiều lần thì xác định số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi VPHC theo từng lần.
Thông tư số 65/2022/TT-BTC cũng quy định chi tiết việc xác định số lợi bất hợp pháp là tiền; Xác định số lợi bất hợp pháp là giấy tờ có giá; xác định số lợi bất hợp pháp là vật, tài sản khác; xác định số tiền phải nộp đối với tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đã bị tiêu thụ, tẩu tán, tiêu hủy trái quy định của pháp luật. Việc quy định chi tiết đối với từng trường hợp cụ thể sẽ tạo thuận lợi cho các cơ quan chức năng thi hành pháp luật dễ dàng, thuận lợi hơn trong việc xác định số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm hành chính. Thông tư số 65/2022/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 01/01/2023 và thay thế Thông tư số 149/2014/TT-BTC ngày 10/10/2014 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định về số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm hành chính để sung vào ngân sách nhà nước.
(2). Thông tư số 10/2022/TT-BNV quy định về thời hạn bảo quản tài liệu hình thành trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, thời hạn bảo quản tài liệu chuyên môn nghiệp vụ thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 15 Nghị định số 01/2013/NĐ-CP ngày 03/01/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lưu trữ.
Kèm theo Thông tư, Bộ Nội vụ ban hành 02 phụ lục: Phụ lục I quy định thời hạn bảo quản tài liệu hình thành trong hoạt động của cơ quan, tổ chức; Phụ lục II quy định thời hạn bảo quản tài liệu hình thành trong hoạt động đặc thù của Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân.
Thời hạn bảo quản tài liệu là khoảng thời gian cần thiết để lưu giữ hồ sơ, tài liệu tính từ năm công việc kết thúc. Cụ thể, thời hạn bảo quản đối với một số tài liệu hình thành trong hoạt động của cơ quan, tổ chức như sau: Thời hạn bảo quản tài liệu hình thành trong hoạt động của cơ quan, tổ chức thực hiện theo quy định tại Phụ lục I Thông tư này. Thời hạn bảo quản tài liệu hình thành trong hoạt động đặc thù của Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân thực hiện theo quy định tại Phụ lục II Thông tư này. Đối với tài liệu hình thành trong hoạt động của cơ quan, tổ chức chưa được quy định tại Thông tư này, các cơ quan, tổ chức căn cứ thời hạn bảo quản của tài liệu tương ứng để xác định.
Thông tư số 10/2022/TT-BNV có hiệu lực kể từ ngày 15/02/2023, bãi bỏ Thông tư số 09/2011/TT-BNV ngày 03/6/2011 của Bộ Nội vụ quy định về thời hạn bảo quản hồ sơ, tài liệu hình thành phổ biến trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức và Thông tư số 13/2011/TT-BNV ngày 24/10/2011 của Bộ Nội vụ quy định thời hạn bảo quản tài liệu hình thành trong hoạt động của Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương./.