Quy định về thủ tục thu, nộp tiền phạt, bù trừ số tiền nộp phạt chênh lệch, biên lai thu tiền phạt và kinh phí từ ngân sách nhà nước bảo đảm hoạt động của các lực lượng xử phạt vi phạm hành chính
Theo đó, Thông tư nêu cụ thể về đối tượng áp dụng; thu, nộp tiền phạt vi phạm hành chính; quy trình, thủ tục thu, nộp tiền phạt vi phạm hành chính; thủ tục thu tiền chậm nộp phạt vi phạm hành chính; cách tính và thực hiện bù trừ số tiền nộp phạt chênh lệch; hoàn trả tiền thu từ xử phạt vi phạm hành chính theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; các loại biên lai thu tiền phạt; hình thức, nội dung biên lai thu tiền phạt; tổ chức in, phát hành, quản lý, sử dụng biên lai thu tiền phạt.
Nếu như trước đây, Thông tư số 153/2013/TT-BTC ngày 31/10/2013 của Bộ Tài chính (được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư số 105/2014/TT-BTC ngày 07/8/2014) quy định về thời điểm xác định người nộp tiền phạt đã thực hiện nghĩa vụ nộp tiền phạt bằng hình thức chuyển khoản “là thời điểm Kho bạc Nhà nước, ngân hàng thương mại nơi Kho bạc Nhà nước ủy nhiệm thu phạt xác nhận trên chứng từ nộp tiền vào ngân sách” thì tại khoản 2 Điều 3 Thông tư số 18/2023/TT-BTC quy định “ngày xác định người nộp tiền phạt đã thực hiện nghĩa vụ nộp tiền phạt là ngày người nộp tiền phạt nhận được thông báo giao dịch tiếp nhận khoản tiền nộp phạt thành công từ ngân hàng thương mại, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, tổ chức cung ứng dịch vụ bưu chính công ích để nộp vào ngân sách nhà nước”.
Bên cạnh đó, Thông tư số 18/2023/TT-BTC đã bổ sung, quy định rõ các trường hợp không tính tiền chậm nộp phạt vi phạm hành chính, bao gồm:
“- Trong thời hạn được hoãn thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính;
- Trong thời gian xem xét, quyết định giảm, miễn phần còn lại hoặc cho phép nộp tiền phạt nhiều lần”.
Thông tư số 18/2023/TT-BTC cũng đã bổ sung quy định cách tính và thực hiện bù trừ số tiền nộp phạt chênh lệch: Khoản 1 Điều 6 Thông tư số 18/2023/TT-BTC quy định cụ thể cách tính số tiền nộp phạt chênh lệch phát sinh trong trường hợp có quyết định đính chính, sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ hoặc ban hành quyết định mới trong xử phạt vi phạm hành chính, cụ thể được tính như sau:
“Số tiền nộp phạt chênh lệch = A - B
Trong đó:
- A là số tiền nộp phạt mà cá nhân, tổ chức vi phạm đã nộp vào ngân sách nhà nước theo quyết định xử phạt vi phạm hành chính của cấp có thẩm quyền.
- B là số tiền nộp phạt mà cá nhân, tổ chức vi phạm phải nộp theo quyết định đính chính, sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ hoặc quyết định mới của cấp có thẩm quyền”
Ngoài ra, Thông tư số 18/2023/TT-BTC còn quy định các loại Biên lai thu tiền phạt, hình thức, nội dung biên lai thu tiền phạt; Bổ sung quy định về bãi bỏ các khoản chi ngoài lương…
Thông tư 18/2023/TT-BTC có hiệu lực kể từ ngày 05/5/2023; được ban hành thay thế Thông tư số 153/2013/TT-BTC ngày 31/10/2013 quy định thủ tục thu, nộp tiền phạt, biên lai thu tiền phạt và kinh phí từ ngân sách nhà nước bảo đảm hoạt động của lực lượng xử phạt vi phạm hành chính và Thông tư số 105/2014/TT-BTC ngày 07/8/2014 sửa đổi, bổ sung Thông tư số 153/2013/TT-BTC./.