Đội QLTT số 5: Tăng cường đấu tranh, phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ và hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Thực hiện Kế hoạch về đấu tranh phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng hoá xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên địa bàn tỉnh năm 2024 của Cục Quản lý thị trường tỉnh Bắc Kạn. Từ ngày 01/01/2024 đến tháng 21/05/2024, Đội Quản lý thị trường số 5 đã tăng cường quản lý địa bàn, bám sát tình hình thị trường; kiểm tra, phát hiện và kịp thời xử lý các cơ sở kinh doanh trên địa bàn có hành vi vi phạm kinh doanh hàng hoá không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Bên cạnh 08 đối tượng được đưa vào kế hoạch Kiểm tra của năm 2024, Đội QLTT số 5 đã tiến hành kiểm tra đột xuất nhiều cơ sở kinh doanh với các loại mặt hàng đa dạng như mỹ phẩm, thực phẩm bao gói sẵn, đồ chơi, giầy dép, hàng gia dụng…
Một số hình ảnh hàng hoá vi phạm:
Qua công tác kiểm tra cho thấy phần lớn các cơ sở kinh doanh đều kinh doanh hàng hoá có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng; có hợp đồng, hoá đơn mua bán… hợp pháp theo quy định tại Nghị định 123/2020/NĐ-CP ngày 19 tháng 10 năm 2020 của Chính phủ quy định về hóa đơn, chứng từ. Ngoài ra, các sản phẩm hàng hoá sản xuất trong nước hoặc các sản phẩm nhập khẩu đều được ghi nhãn đầy đủ theo quy định tại Nghị định số 43/2017/NĐ-CP ngày 14 tháng 04 năm 2017 sửa đổi bổ sung bởi Nghị định số 111/2021/NĐ-CP ngày 09 tháng 12 năm 2021 của Chính phủ quy định về nhãn hàng hóa.
Bên cạnh đó, do tính chất địa bàn vùng sâu vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, vẫn còn những cơ sở kinh doanh chưa hiểu biết và nắm được quy định của pháp luật trong hoạt động kinh doanh; vẫn còn tình trạng kinh doanh hàng hoá không rõ nguồn gốc, xuất xứ; hàng hóa không có hoá đơn, chứng từ; trên nhãn hoặc bao bì hàng hoá có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài, không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam, không có căn cứ xác định được nguồn gốc nơi sản xuất hoặc xuất xứ của hàng hóa.
Từ đầu năm đến nay, Đội QLTT số 5 đã phát hiện và xử lý 09 vụ vi phạm hành chính hành chính về hành vi kinh doanh hàng hoá không rõ nguồn gốc, xuất xứ; cụ thể: Xử phạt đối với 01 cơ sở kinh doanh giầy, dép; 01 cơ sở kinh doanh đồ chơi trẻ em; 05 cơ sở kinh doanh thực phẩm bao gói sẵn; 02 cơ sở kinh doanh mỹ phẩm. Số tiền phạt thu nộp ngân sách nhà nước là 15 triệu đồng; buộc tiêu hủy hàng hóa vi phạm hành chính gồm: 100 đôi giày các loại; 287 đơn vị đồ chơi trẻ em; 881 đơn vị thực phẩm bao gói sẵn; 56 đơn vị sản phẩm mỹ phẩm; trị giá tang vật 17,95 triệu đồng.
Thông qua công tác quản lý địa bàn, kiểm tra, xử lý vi phạm, Đội QLTT số 5 tiếp tục triển khai tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân chấp hành đúng các quy định của pháp luật về kinh doanh thương mại, không kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng giả, hàng cấm, hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ trên địa bàn quản lý./.