Đội Quản lý thị trường số 3 giám sát tiêu huỷ hàng hoá giả mạo nhãn hiệu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ
Ngày 16/12/2023, Đội Quản lý thị trường 3 - Cục Quản lý thị trường tỉnh Bắc Kạn đã phát hiện và lập biên bản vi phạm hành chính với ông Đ.TM (trú tại: xã Đông Thành, huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ) với hành vi vi phạm hành chính: Buôn bán hàng hoá giả mạo nhãn hiệu và Kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ; hàng hoá vi phạm là 2.355 đơn vị sản phẩm dầu gội đầu có nhãn “Sunsilk”, “Dove”, “Rejoice”, “Clear”; các loại kem đánh răng có nhãn “P/S trà xanh”, “P/S ngừa sâu răng”, “Closeup”; nước xả vãi nhãn “Comfort”, Bột giặt nhãn “OMO”, tất chân nhãn hiệu “Nike”, “Adidas”, tổng trị giá hàng hoá vi phạm được xác định tại thời điểm phát hiện là 21.152.000 đồng.
Ảnh: Hàng hóa giả mạo nhãn hiệu và không rõ nguồn gốc, xuất xứ bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc tiêu hủy.
Qua quá trình xác minh với đại diện sở hữu công nghiệp các nhãn hiệu trên tại Việt Nam, ngày 29/12/2023 Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Bắc Kạn đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính với ông Đ.T.M, với hình thức xử phạt chính là phạt tiền 17.500.000 đồng (Mười bảy triệu năm trăm nghìn đồng) và thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc tiêu huỷ hàng hoá vi phạm.
Ngày 29/12/2023, ông Đ.T.M đã thi hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính; cùng ngày Đội Quản lý thị trường số 3 đã giám sát ông Đ.T.M tiêu huỷ hàng hoá vi phạm tại khu vực xử lý rác thải của Công ty Cổ phần môi trường tỉnh Bắc Kạn theo quy định.
Ảnh: Hàng hoá vi phạm được tiêu huỷ bằng hình thức hủy đốt
Việc xử lý vi phạm hành chính và tiêu hủy hàng hóa giả mạo nhãn hiệu nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ sở hữu nhãn hiệu và người tiêu dùng trên địa bàn; đồng thời có tính tuyên truyền, răn đe nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hoá./.