Bắc Kạn: Công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả 6 tháng đầu năm 2023
6 tháng đầu năm 2023, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, và hàng giả trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn vẫn diễn ra và có chiều hướng tăng về số vụ so với năm 2022: Các loại tội phạm chủ yếu là vận chuyển, mua bán hàng cấm (ma túy, pháo...), khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép... với phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, nhằm trốn tránh sự kiểm tra, kiểm soát của các lực lượng chức năng; Các hành vi vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại chủ yếu về: buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng hóa quá hạn sử dụng....; vi phạm về đăng ký kinh doanh, xúc tiến thương mại; vi phạm về niêm yết giá, an toàn thực phẩm, nhãn hàng hóa, sở hữu trí tuệ, vi phạm về điều kiện kinh doanh xăng dầu, LPG, rượu, thuốc lá...
Trước tình hình trên, các lực lượng chức năng, cơ quan thành viên Ban Chỉ đạo 389 tỉnh đã có nhiều nỗ lực triển khai, hoàn thành tốt nhiệm vụ công tác, góp phần kiểm soát các hành vi vi phạm về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, giúp ổn định thị trường, đảm bảo an sinh xã hội, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Cụ thể:
Lực lượng Quản lý thị trường phát hiện 10 vụ vi phạm về hàng cấm, hàng giả, hàng nhập lậu; 46 vụ việc gian lận thương mại về điều kiện kinh doanh, bán lẻ xăng dầu, xúc tiến thương mại, kiểm dịch, vi phạm trong kinh doanh thuốc lá, thức ăn chăn nuôi, LPG, niêm yết giá…; 25 vụ vi phạm lĩnh vực an toàn thực phẩm. Tổng số tiền xử phạt 356,2 triệu đồng; buộc tiêu hủy 47,6 triệu đồng; tang vật xử lý: 1.391 đơn vị thực phẩm, 8.561 đơn vị hàng hóa khác.
Công an tỉnh phát hiện, xử lý 95 vụ buôn bán, tàng trữ, vận chuyển trái phép hàng cấm (ma túy, pháo…), 10 vụ gian lận thương mại. Phạt tiền thu NSNN 44,5 triệu đồng; Khởi tố 94 vụ/98 đối tượng. Tang vật thu giữ, xử lý: 1.847gr Heroin; 9,68gr ma túy tổng hợp; 1.120kg pháo nổ; 695,946 gram thuốc nổ; 327 gram viên đạn kim loại hình nấm; 03 khẩu súng; trên 13kg đạn…
Cục Thuế phát hiện và xử lý 38 vụ về hành vi vi phạm trong lĩnh vực Thuế. Tổng số tiền thu NSNN là: 1.735 triệu đồng, trong đó: Xử phạt VPHC về thuế: 243 triệu đồng; tiền phạt bổ sung truy thu thuế là: 1.492 triệu đồng.
Chi cục Kiểm lâm phát hiện xử lý 321 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp. Trong đó, chuyển khởi tố hình sự 18 vụ/16 đối tượng; tịch thu 257 m3 gỗ các loại, thu nộp ngân sách nhà nước trên 2.153 triệu đồng;
Thanh tra chuyên ngành các lĩnh vực Y tế, Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường đã phát hiện và xử lý 27 vụ việc, phạt tiền thu NSNN 594,6 triệu đồng.
Tổng hợp kết quả công tác kiểm tra, kiểm soát, phát hiện, bắt giữ, xử lý của các lực lượng chức năng 6 tháng đầu năm 2023: số vụ xử lý: 581 vụ/582 đối tượng vi phạm (tăng 35,7 % so với cùng kỳ năm 2022). Trong đó: Số vụ khởi tố: 112 vụ/114 đối tượng; Số vụ xử lý VPHC: 469 vụ; Tổng số tiền thu nộp NSNN: 4.883,3 triệu đồng (tăng 66% so với cùng kỳ năm 2022), bao gồm: Tiền xử phạt VPHC: 3.391,3 triệu đồng; Tiền phạt bổ sung truy thu thuế: 1.492 triệu đồng.
Theo nhận định của Ban Chỉ đạo 389 tỉnh, 6 tháng cuối năm 2023, tình hình hoạt động buôn bán, vận chuyển hàng cấm, mua bán khai thác lâm sản, động vật rừng quý hiếm, khoáng sản... tiếp tục với những phương thức thủ đoạn mới; tình hình giá cả xăng dầu vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra vi phạm về điều kiện kinh doanh, gian lận thương mại; hoạt động sản xuất, mua bán hàng hóa có chất lượng không đảm bảo tiêu chuẩn đã công bố và các hành vi gian lận khác trong kinh doanh vẫn diễn ra, ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng, quyền và lợi ích hợp pháp của thương nhân.
Ban Chỉ đạo 389 tiếp tục chỉ đạo tăng cường công tác phối hợp giữa các đơn vị thành viên, nâng cao hiệu quả kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm, đặc biệt trong các lĩnh vực: Thuế, thương mại điện tử, giá…; các ngành hàng, mặt hàng thiết yếu có tác động lớn đến đời sống kinh tế, xã hội của người dân: Xăng dầu, khí, lương thực, thực phẩm (thịt lợn, thức ăn chăn nuôi), phân bón, hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật, dược phẩm, trang thiết bị y tế, vật liệu xây dựng… và các sản phẩm có thương hiệu, chỉ dẫn địa lý của địa phương. Đồng thời thực hiện tốt công tác tuyên truyền; đẩy mạnh tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng; vận động các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh nhận thức đúng, không tham gia, tiếp tay cho các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn; công khai hộp thư điện tử, số điện thoại đường dây nóng để các tầng lớp Nhân dân biết, trao đổi, chia sẻ; tiếp nhận, xử lý kịp thời các tin báo qua đường dây nóng.