Kết quả kiểm tra, xử lý vi hành chính quý III và 9 tháng đầu năm 2022 của Cục QLTT Bắc Kạn

Trong Qúy III/2022, lực lượng quản lý thị trường tỉnh Bắc Kạn đã tiến hành kiểm tra tổng số: 134 vụ, trong đó xử lý: 57 vụ, với số tiền nộp ngân sách Trung ương: 147.200.000 đồng. Trị giá tài sản là tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đã tiêu hủy: 14.802.000 đồng. So với cùng kỳ năm trước: Số vụ kiểm tra giảm 31 vụ (19%), số vụ xử lý tăng 10 vụ (21%), số tiền thu phạt nộp NSNN bằng 50,3%.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, lực lượng QLTT tỉnh Bắc Kạn đã tổ chức kiểm tra 388 lượt vụ; phát hiện và xử lý 140 vụ. Tổng số tiền thu nộp NSNN: 636.666.000 đồng (Sáu trăm ba mươi sáu triệu, sáu trăm sáu mươi sáu nghìn đồng). Trong đó: Tiền phạt VPHC: 629.550.000 đồng, tiền bán hàng: 5.800.0000 đồng. Trị giá hàng hóa tiêu hủy: 534.943.000 đồng.
Hàng hóa vi phạm bị buộc tiêu hủy gồm: 9.163 bộ Kít test nhanh COVID -19; 144 tuýp sữa rửa mặt các loại, mỹ phẩm; 259 hộp kẹo, bánh các loại, 70 gói băng vệ sinh Kotex, 12 khẩu súng nhựa (toys), 15 chiếc xe ô tô nhựa; 20 hộp sơn các loại, 04 hộp cá ngừ ngâm dầu; 04 hộp sữa đặc cô gái Hà Lan; 07 gói bánh phồng tôm; bột ngọt các loại 10 gói; 20 thùng bánh trung thu;78 chai nước giải khát, 35 kg Hạt hướng dương, 1.200 lít rượu trắng, 123 kg móng giò... với tổng trị giá hàng hóa tiêu hủy: 534.943.000 đồng.
Để tiếp tục duy trì, phát huy những kết quả đã đạt được trong 9 tháng đầu năm, từng bước nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, Cục QLTT triển khai nhiệm vụ trọng tâm của đơn vị trong Quý IV năm 2022 như sau:
- Bám sát chỉ đạo của Tổng Cục Quản lý thị trường, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh, đơn vị chủ động thu thập thông tin, phân tích, dự báo tình hình thị trường để kịp thời có những biện pháp ổn định thị trường trong giai đoạn cuối năm.
- Thực hiện tốt công tác quản lý địa bàn và công tác phối hợp với các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương. Tăng cường nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát thị trường theo kế hoạch kiểm tra định kỳ, các kế hoạch kiểm tra chuyên đề và các văn bản chỉ đạo đã ban hành; theo dõi chặt chẽ diễn biến thị trường, cung cầu hàng hóa, đặc biệt là các mặt hàng xăng, dầu, thiết bị y tế, dược phẩm, lương thực, thực phẩm, các mặt hàng phục vụ cuối năm, tết dương lịch... Cử công chức tham gia các đoàn kiểm tra liên ngành khi có yêu cầu.
- Từng bước hoàn thành công tác số hóa các cơ sở dữ liệu quản lý địa bàn; ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, sử dụng biểu mẫu đối với hoạt động kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính và thực hiện các biện pháp nghiệp vụ trên Hệ thống thông tin quản lý cơ sở dữ liệu và tài liệu điện tử trong hoạt động kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính và thực hiện các biện pháp nghiệp vụ của lực lượng Quản lý thị trường (Hệ thống INS).
- Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động ký cam kết và kiểm tra sau ký cam kết để từng bước đẩy lùi tình trạng sản xuất, kinh doanh hàng vi phạm tại các chợ, tuyến phố, các xã vùng xâu, vùng xa và trên môi trường mạng internet./.