Luật Giao dịch điện tử 2023 tạo hành lang pháp lý đầy đủ góp phần thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia
Kết quả tổng kết 17 năm thi hành Luật Giao dịch điện tử năm 2005 cho thấy bên cạnh những đóng góp tích cực trong việc thúc đẩy phát triển Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số, Luật Giao dịch điện tử năm 2005 vẫn đang tồn tại một số bất cập cần sửa đổi. Sự phát triển của đất nước trong tình hình mới cũng đòi hỏi luật phải được bổ sung để hoàn thiện hành lang pháp lý nhằm đáp ứng cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và công cuộc chuyển đổi số của quốc gia theo đúng định hướng mà Đảng và Nhà nước ta đã khẳng định.
Việc thông qua Luật Giao dịch điện tử năm 2023 sẽ hoàn thiện hành lang pháp lý đầy đủ tạo thuận lợi cho việc chuyển đổi hoạt động từ môi trường thực sang môi trường số trong tất cả các ngành, lĩnh vực, thể chế hóa kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng về phát triển kinh tế số, chuyển đổi số, thúc đẩy quá trình chuyển đổi số quốc gia.
Luật Giao dịch điện tử gồm 8 chương, 53 điều, trong đó:
Chương I (Những quy định chung) gồm 6 điều, mở rộng phạm vi áp dụng của hoạt động GDĐT tới tất cả các hoạt động của đời sống xã hội.
Chương II (Thông điệp dữ liệu) gồm 15 điều, quy định về giá trị pháp lý của thông điệp dữ liệu, gửi nhận thông điệp dữ liệu và chứng thư điện tử. Các nội dung trong chương này tập trung sửa đổi, chi tiết hoá cách thức xác định giá trị pháp lý của thông điệp dữ liệu; bổ sung quy định điều kiện khi chuyển đổi từ bản giấy sang thông điệp dữ liệu và ngược lại. Bổ sung quy định về chứng thư điện tử nhằm tháo gỡ vướng mắc về kết quả giao dịch để có thể đưa một giao dịch lên trực tuyến toàn trình.
Chương III (Chữ ký điện tử và dịch vụ tin cậy) gồm 12 điều quy định về chữ ký điện tử và dịch vụ tin cậy trong GDĐT.
Chương IV (Giao kết và thực hiện hợp đồng điện tử) gồm 6 điều, quy định về giá trị pháp lý của hợp đồng điện tử; nguyên tắc giao kết và thực hiện hợp đồng điện tử; việc nhận, gửi, thời điểm, địa điểm nhận, gửi thông điệp dữ liệu trong giao kết và thực hiện hợp đồng điện tử.
Chương V (GDĐT của cơ quan nhà nước) gồm 5 điều, quy định về giao dịch điện tử của cơ quan nhà nước; bổ sung các quy định về quản lý dữ liệu, cơ sở dữ liệu, dữ liệu mở, các quy định đối với cơ quan nhà nước nhằm thúc đẩy hoạt động GDĐT, hướng đến việc chuyển toàn bộ hoạt động lên môi trường số, đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.
Chương VI (Hệ thống thông tin phục vụ GDĐT) gồm 4 điều, quy định về các loại hệ thống thông tin phục vụ giao dịch điện tử, tài khoản giao dịch điện tử; trách nhiệm của chủ quản hệ thống thông tin phục vụ GDĐT, trách nhiệm giám sát của cơ quan nhà nước và biện pháp bảo vệ giao dịch điện tử.
Chương VII (Quản lý nhà nước về GDĐT) gồm 2 điều quy định về nội dung quản lý nhà nước và trách nhiệm quản lý nhà nước về GDĐT. Theo đó, Bộ TT&TT là cơ quan đầu mối chịu trách nhiệm trước Chính phủ trong việc chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan ngang Bộ thực hiện quản lý nhà nước về GDĐT.
Chương VIII (Điều khoản thi hành) gồm 3 điều, quy định về điều khoản chuyển tiếp, hiệu lực thi hành để đảm bảo việc thực thi Luật, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân đã và đang tham gia hoạt động GDĐT trước thời điểm Luật GDĐT có hiệu lực.
Luật Giao dịch điện tử chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2024./.