Nhiều quy định pháp luật trong lĩnh vực chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả còn khó khăn, vướng mắc và bất cập
Cơ quan chức năng gặp nhiều khó khăn trong công tác bảo quản và xử lý tang vật trong các vụ việc buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Trong khi đó, việc điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật của các cơ quan có thẩm quyền còn chậm, dẫn đến khó khăn trong công tác xử lý của các cơ quan chức năng trong đấu tranh và xử lý vi phạm về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
(Hình ảnh tang vật vi phạm là chai LPG tại Cục QLTT tỉnh Bắc Kạn)
Quy định xử lý vi phạm hành chính khó thực hiện: Đáng chú ý là những khó khăn, vướng mắc trong thực thi quy định pháp luật về xử lý vi phạm hành chính (VPHC).
- Theo quy định tại Khoản 64 Điều 1 Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2020 quy định “Trong trường hợp tang vật, phương tiện VPHC bị tạm giữ được niêm phong thì phải tiến hành ngay trước mặt người vi phạm; nếu người vi phạm vắng mặt thì phải tiến hành niêm phong trước mặt đại diện gia đình người vi phạm, đại diện tổ chức hoặc đại diện chính quyền cấp xã hoặc ít nhất 01 người chứng kiến”. Tuy nhiên,quy định này là khó thực hiện khi thực hiện niêm phong đối với một số tang vật cồng kềnh số lượng lớn như khoáng sản, gỗ.
- Bên cạnh đó, theo quy định tại điểm b, khoản 65 Điều 1 Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2020 quy định “Trường hợp không xác định được người vi phạm, chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp của tang vật, phương tiện thì người ra quyết định tạm giữ phải thông báo 02 lần trên phương tiện thông tin đại chúng của trung ương hoặc địa phương nơi tạm giữ tang vật, phương tiện. Lần thông báo thứ nhất phải được thực hiện trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày hết thời hạn tạm giữ tang vật, phương tiện. Lần thông báo thứ hai được thực hiện trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày thông báo thứ nhất. Hết thời hạn 01 năm, kể từ ngày thông báo lần thứ hai nếu người vi phạm, chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp không đến nhận thì trong thời hạn 05 ngày làm việc, người có thẩm quyền phải ra quyết định tịch thu tang vật, phương tiện VPHC.” Việc quy định hết thời hạn 1 năm kể từ thông báo lần 2 không xác định được chủ thì mới ra Quyết định tịch thu. Tuy nhiên, việc quy định thời gian như trên là quá dài, gây khó khăn cho người trông coi bảo quản và chất lượng tang vật VPHC sau 1 năm.
- Quy định tại điểm a, Khoản 6, Điều 12 Nghị định số 118/2021/NĐ-CP ngày 23/12/2021 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính: “Biên bản vi phạm hành chính lập xong phải được giao cho cá nhân, tổ chức VPHC 01 bản, trừ trường hợp không xác định được cá nhân, tổ chức VPHC. Trường hợp VPHC không thuộc thẩm quyền xử phạt của người lập biên bản, thì biên bản và các tài liệu khác phải được chuyển cho người có thẩm quyền xử phạt trong thời hạn 24 giờ, kể từ khi lập biên bản": Việc quy định chuyển Biên bản VPHC đến người có thẩm quyền xử phạt trong thời hạn 24 tiếng (01 ngày) gây khó khăn cho người lập Biên bản VPHC khi ở địa bàn cách xa người có thẩm quyền xử phạt VPHC.
(Sản phẩm Kít test nhanh Covid 19 tại Cục QLTT không xác định được chủ hàng - đối tượng vi phạm, cần chờ 1 năm để xử lý)
- Bảo quản, lấy mẫu giám định tang vật một số mặt hàng rất phức tạp và mất nhiều thời gian: Lực lượng chức năng thuộc Ban Chỉ đạo 389 nhiều tỉnh khu vực phía Bắc cũng nêu khó khăn trong công tác giám định chất lượng hàng hóa còn gặp nhiều khó khăn do các trung tâm giám định ở xa, thời gian chờ kết quả giám định để xác định hành vi vi phạm quá lâu ảnh hưởng đến công tác thiết lập hồ sơ xử lý (đặc biệt là đối tượng vi phạm không có điều kiện để ràng buộc). Bên cạnh đó, đầu mối cung cấp, cập nhật thông tin về hàng giả, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ; chế tài xử phạt còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe; kinh phí chi, phương tiện kỹ thuật trang bị các cho lực lượng thực hiện nhiệm vụ còn thiếu; việc vận chuyển, bảo quản, lấy mẫu, giám định tang vật là các mặt hàng xăng dầu, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật... rất phức tạp, kéo dài, gây khó khăn cho hoạt động điều tra, xác minh và xử lý tang vật vi phạm của cơ quan chức năng.
- Mặt khác, các quy định về kiểm tra chất lượng đối với một số hàng hóa trước khi bán đấu giá đưa ra thị trường tiêu thụ là đúng, tuy nhiên chưa có quy định trường hợp chi phí kiểm tra chất lượng cao hơn giá khởi điểm ban đầu, thậm chí cao hơn giá dự kiến đấu giá thành công (theo tỷ lệ các cuộc đấu giá đã thành công), cao hơn chi phí đem hàng hóa đó đi tiêu huỷ thì được phép tiêu huỷ hoặc chuyển giao, tặng, cho... hay không. Ngoài ra, trên thực tế trong quá trình xử lý hàng hóa mau hỏng, vô chủ đã phát sinh tình huống hàng hóa, vật phẩm dễ hư hỏng không có giá trị sử dụng nhưng chưa xác định được đối tượng vi phạm (vô chủ), cần thông báo tìm chủ sở hữu. Trường hợp tiêu hủy hàng hóa ngay theo hướng dẫn tại Thông tư số 173/2013/TT-BTC của Bộ Tài chính thì có thể nảy sinh vướng mắc khi chủ sở hữu hàng hóa đến làm việc và xuất trình giấy tờ liên quan đến hàng hóa đã tiêu hủy. Trường hợp chờ hết thời hạn thông báo tìm chủ thì nhiều hàng hóa sẽ bị hư hỏng do khó khăn về cơ sở vật chất hoặc kinh phí bảo quản. Việc bảo quản tang vật vi phạm, thực tế các địa phương do không có phương tiện chuyên dùng để vận chuyển tang vật, vật chứng, không có kho bãi, nhất là kho bãi chuyên dụng để bảo quản tang vật, vật chứng nên việc vận chuyển tang vật, vật chứng dễ cháy nổ, như pháo nổ, thực phẩm đông lạnh... việc lưu giữ, xử lý, bảo quản hàng hóa là tang vật vi phạm hành chính bị tạm giữ, tịch thu đối với một số mặt hàng cấm, mặt hàng dễ gây mất an toàn, mặt hàng yêu cầu cần bảo quản riêng gặp nhiều khó khăn; việc xây dựng, sử dụng các khu cách ly động vật như trâu, bò, lợn... chưa bảo đảm các yêu cầu phục vụ công tác điều tra, xác minh, xử lý...
(Cơ quan chức năng lấy mẫu giám định khoáng sản)
Để khắc phục những khó khăn, bất cập nêu trên, BCĐ 389 tỉnh đề nghị các đơn vị, cơ quan chức năng, địa phương tiếp tục rà soát khó khăn, vướng mắc trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Theo đó, đối với các nội dung vướng mắc đã được tiếp thu, xử lý, các ngành, địa phương, cơ quan chức năng tổ chức thực hiện, khắc phục. Ngoài ra, các đơn vị tiếp tục tổng hợp những khó khăn vướng mắc phát sinh, để Cục QLTT - Cơ quan Thường trực tổng hợp, báo cáo.