Tăng cường chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong hoạt động trong mại điện tử

Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Bắc Kạn vừa qua đã tiến hành tổng kết, đánh giá tình hình, kết quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong hoạt động thương mại điện tử theo kế hoạch 399/KH-BCĐ389 ngày 10/10/2020 của BCĐ 389 Quốc gia.

Trong 3 năm trở lại đây, thương mại điện tử (TMĐT) trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn có sự phát triển mạnh cả về số lượng và quy mô. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 bùng phát đã dẫn đến nhiều biến động đối với nền kinh tế và sự tăng trưởng bứt phá của TMĐT. Tỷ lệ người dân mua sắm trực tuyến cũng như những người sử dụng internet trên địa bàn tỉnh gia tăng. Các doanh nghiệp trong tỉnh cũng đã nhận thức đúng về vai trò và tầm quan trọng của công nghệ thông tin nói chung, TMĐT nói riêng trong quản lý, điều hành hoạt động sản xuất, kinh doanh. Các cấp, các ngành và chính quyền tỉnh Bắc Kạn cũng triển khai đẩy mạnh phát triển TMĐT, tổ chức khóa đào tạo chuyên sâu, nâng cao kiến thức về TMĐT cho các cán bộ quản lý nhà nước và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; triển khai Đề án Hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh Bắc Kạn xúc tiến bán hàng online bằng phương thức tiếp thị đa kênh; ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn năm 2022 và kế hoạch khung giai đoạn 2023 - 2025; ban hành Quy chế xây dựng, quản lý và thực hiện Chương trình xúc tiến thương mại tỉnh Bắc Kạn...

Hoạt động thương mại điện tử giao dịch mua bán hàng hóa thông qua các hình thức như: Sàn thương mại điện tử Shopee, Lazada, Tiki; các website thương mại điện tử; mạng xã hội Facebook, Instagram, Zalo, Tiktok… và quảng cáo trực tuyến trên Facebook, Youtube, Google… ngày càng phổ biến. Cùng với những cơ hội, lợi ích mà thương mại điện tử đem lại cũng luôn tiềm ẩn nguy cơ các đối tượng lợi dụng thương mại điện tử để bán hàng cấm, hàng lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, vi phạm sở hữu trí tuệ trên không gian mạng, cũng như việc xác minh, truy tìm đối tượng và xử lý vi phạm, tội phạm trong thương mại điện tử gặp nhiều khó khăn, trong khi cơ chế quản lý nhà nước, quản lý thuế trong thương mại điện tử chưa chặt chẽ, đặc biệt là trên môi trường mạng xã hội. Bên cạnh đó, thông qua hoạt động TMĐT đã xuất hiện không ít vụ lừa đảo trên mạng như đánh cắp thông tin, dữ liệu, tài khoản ngân hàng của khách hàng và dùng các chiêu thức lừa đảo đế chiếm đoạt tài sản.

Hình ảnh kho hàng hóa nhập lâu, hàng hóa giả mạo nhãn hiệu kinh doanh dưới hình thức livestream bán hàng trên mạng xã hội Facebook được phát hiện trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn năm 2021

Các hành vi vi phạm trong hoạt động thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh được phát hiện qua các website và mạng xã hội. Hành vi vi phạm chủ yếu là kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, vi phạm về xúc tiến thương mại, quảng cáo… Mặt hàng vi phạm bao gồm tất cả các loại hàng hóa từ thời trang, mỹ phẩm, thực phẩm đến các mặt hàng gia dụng, thiết bị điện tử…; phương thức, hình thức, thủ đoạn vi phạm tinh vi: lợi dụng qua dịch vụ chuyển phát nhanh, giao hàng tận nơi, thanh toán trực tuyến để cố tình che giấu, trốn tránh việc kiểm tra của các lực lượng chức năng.

 

Cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính

Kết quả phát hiện, bắt giữ, xử lý buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong hoạt động thương mại điện tử theo kế hoạch 399/KH-BCĐ389: các lực lượng chức năng đã phát hiện, xử lý tổng số 09 vụ việc/11 đối tượng vi phạm trong hoạt động thương mại điện tử.

Xử lý vi phạm hành chính 08 vụ/08 đối tượng; xử phạt hành chính 305,25 triệu đồng; hàng hóa vi phạm bị xử lý trị giá: 259,325 triệu đồng. Trong đó, 02 vụ về buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng cấm, hàng lậu; 05 vụ gian lận thương mại, gian lận về thuế; 01 vụ hàng giả, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ;

Khởi tố 01 vụ/03 đối tượng về tội “vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm” và hành vi “quảng cáo để kinh doanh thực vật rừng, động vật rừng và sản phẩm của chúng trái quy định của pháp luật...”; các vụ khởi tố được phát hiện qua mạng xã hội Facebook thông qua các nhóm kín chuyên giao dịch mua bán dộng vật hoang dã, vận chuyển động hoang dã.

 

Kiểm tra cơ sở kinh doanh quảng cáo, bán hàng hóa nhập khẩu qua mạng xã hội Facebook

Mặc dù đã quyết liệt đấu tranh, ngăn chặn các hành vi kinh doanh hàng cấm, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, vi phạm sở hữu trí tuệ trên không gian mạng tuy nhiên số lượng các vụ việc xử lý lượng các vụ việc được phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm còn thấp; Công tác quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh TMĐT của các hộ, cá nhân kinh doanh còn nhiều bất cập.

Nguyên nhân là do các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động kinh doanh TMĐT chưa tự giác kê khai, nộp thuế khi phát sinh. Đối với cá nhân kinh doanh TMĐT dưới dạng quảng cáo để mở rộng khách hàng, kinh doanh không có địa điểm cố định; việc bán hàng, quảng cáo chủ yếu qua điện thoại, tin nhắn nên cơ quan thuế khó kiểm soát được doanh thu. Ngoài ra, các đối tượng thực hiện hành vi vi phạm trong hoạt động thương mại điện tử sử dụng nhiều phương thức, thủ đoạn hết sức tinh vi  như đăng ký thông tin, địa chỉ giả; việc giao dịch mua bán thường nhắn tin riêng, hàng hóa được vận chuyển qua đơn vị chuyển phát nhanh, giao hàng tận nơi…

Dự báo trong thời gian tới, thương mại điện tử tiếp tục phát triển mạnh mẽ. Đây cũng là cơ hội để các thương nhân cũng như người tiêu dùng tiếp cận các kênh phân phối hiện đại, mở rộng thị trường. Tuy nhiên, dưới góc độ quản lý nhà nước, việc quản lý các giao dịch điện tử, quản lý thuế, quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa, việc thực thi các chính sách pháp luật liên quan đến thương mại điện tử so với thương mại truyền thống đặt ra nhiều thách thức. Sự phức tạp của hoạt động mua bán hàng, cung cấp dịch vụ, sản phẩm trực tuyến, giao dịch không tiền mặt… cần có những cơ chế quản lý, chính sách pháp luật chặt chẽ và minh bạch hơn, để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho thương nhân, quyền người tiêu dùng và ổn định thị trường.

Cơ quan Thường trực BCĐ 389 tỉnh Bắc Kạn