TÌNH HÌNH THỊ TRƯỜNG VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA LỰC LƯỢNG QUẢN LÝ THỊ TRƯỜNG TỈNH BẮC KẠN QUÝ I NĂM 2022

Quý I năm 2022 là thời điểm trước, trong và sau tết Nguyên đán Nhâm Dần. Trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn, dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp với số ca bệnh tăng nhanh nhất từ trước đến nay. Do ảnh hưởng của dịch bệnh, tại địa bàn tỉnh một số cơ sở kinh doanh đã tạm đóng cửa và một số chợ đã tạm dừng họp; người dân hạn chế đi du xuân, chúc tết và thắt chặt chi tiêu hơn so với cùng kỳ những năm trước. Hàng hóa trên thị trường được bày bán và tiêu thụ chủ yếu là lương thực, thực phẩm, các mặt hàng phân bón, vật tư nông nghiệp phục vụ cho sản xuất vụ xuân - hè, các mặt hàng phục vụ công tác phòng chống dịch. Mặc dù bị ảnh hưởng bởi nguồn cung trong nước và tình hình dịch bệnh nhưng mặt hàng xăng, dầu, mặt hàng vật tư y tế, thuốc tân dược vẫn đảm bảo nguồn cung phục vụ nhu cầu nhân dân, không có hiện tượng khan hiếm hàng hóa, đầu cơ, găm hàng, chờ tăng giá.
Vào cuối tháng 3, giá một số mặt hàng thiết yếu tăng do giá xăng, dầu trong nước tăng liên tiếp, cụ thể giá khí gas Petrolimex, Thiên Long, Thăng Long tăng từ 40.000 đến 50.000 đồng/bình 12kg; mỳ tôm các loại tăng từ 3.000-5.000 đồng/thùng 30 gói; mỳ chính các loại tăng từ 2.000-4.000 đồng/túi 1kg; dầu ăn các loại tăng từ 5.000-7.000 đồng/1 lít.
Được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Tổng cục Quản lý thị trường, Ủy ban nhân dân tỉnh, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh, cùng với công tác lãnh đạo, chỉ đạo và điều hành bám sát yêu cầu nhiệm vụ, trong Quý I, lực lượng Quản lý thị trường tỉnh Bắc Kạn đã thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao; công tác quản lý địa bàn, kiểm tra, kiểm soát, giám sát thị trường, nắm tình hình giá, biến động của thị trường luôn được chú trọng và tăng cường, kịp thời ứng phó với các diễn biến bất thường của thị trường.
Kết quả trong Quý I năm 2022, Cục Quản lý thị trường tỉnh Bắc Kạn đã tiến hành kiểm tra 64 vụ việc, phát hiện và xử lý 23 vụ vi phạm hành chính. Các hành vi vi phạm chủ yếu như: Không niêm yết giá hàng hóa tại địa điểm phải niêm yết giá theo quy định của pháp luật; kinh doanh hàng hóa thuộc ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện mà không có giấy phép theo quy định; kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ; kinh doanh hàng hóa vi phạm về nhãn; kinh doanh hàng hóa quá hạn sử dụng ghi trên bao bì hàng hóa; kinh doanh hàng hóa nhập lậu... Số tiền thu nộp ngân sách nhà nước là 82.100.000 đồng; trị giá hàng hóa tiêu hủy 52.098.000 đồng; hàng hóa tiêu hủy chủ yếu là các mặt hàng thực phẩm, rượu trắng, kit test nhanh COVID-19... So với cùng kỳ năm trước số vụ kiểm tra tăng 7 vụ (tăng 12,3%); số vụ xử lý giảm 3 vụ (giảm 11,5%).
Thông qua công tác kiểm tra, kiểm soát, đơn vị đã trực tiếp tuyên truyền pháp luật tới 140 đối tượng, đã vận động được 100 tổ chức, cá nhân kinh doanh ký cam kết thực hiện tốt các quy định, chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương.
Dự báo trong Quý II năm 2022, thị trường hàng hoá, dịch vụ phục vụ nhu cầu mùa hè sẽ sôi động, giá cả, sức mua có chiều hướng tăng ở một số mặt hàng như: Rượu, bia, nước giải khát; đồ điện gia dụng, đồ điện tử, điện lạnh... Do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 hoạt động kinh doanh các mặt hàng khẩu trang y tế, nước rửa tay, nước sát trùng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thuốc tân dược sẽ phát triển. Hoạt động buôn lậu, vận chuyển buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và các hành vi gian lận thương mại khác vẫn sẽ tiềm ẩn nhiều diễn biến phức tạp.
Phát huy những kết quả đã đạt được trong Quý I, từng bước nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong giai đoạn thị trường có nhiều biến động, Cục Quản lý thị trường tỉnh Bắc Kạn tiếp tục bám sát chỉ đạo của Tổng cục Quản lý thị trường, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh để thực hiện tốt công tác quản lý địa bàn, công tác phối hợp với các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương; tăng cường nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát thị trường theo kế hoạch kiểm tra định kỳ, các kế hoạch kiểm tra chuyên đề và các văn bản chỉ đạo đã ban hành. Theo dõi chặt chẽ diễn biến thị trường, cung cầu hàng hóa, đặc biệt là các mặt hàng xăng, dầu, thiết bị y tế, dược phẩm, lương thực, thực phẩm, các mặt hàng phục vụ mùa hè; chủ động thu thập thông tin, phân tích, dự báo tình hình thị trường để kịp thời có những biện pháp góp phần ổn định thị trường trong giai đoạn "bình thường mới", ngăn chặn những tác động xấu, những vấn đề nổi cộm có thể xảy ra.